Hãy để gia đình là nơi an toàn nhất
VHO- Thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho thấy, giãn cách xã hội năm 2020 đã khiến cho 60% trẻ em gặp khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% trẻ bị đánh.
Bạo lực gia đình trong mắt trẻ em (ảnh dự thi “Nỗi sợ của mèo con” của học sinh trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội)
Còn theo khảo sát của Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, có 32,5% số trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, không quan tâm trong thời gian giãn cách xã hội. Nhiều em nhỏ bị chính cha, mẹ có hành vi bạo hành trong khoảng thời gian giãn cách xã hội do những áp lực về việc làm và kinh tế bị giảm sút...
Dễ nảy sinh xung đột
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, bên cạnh những gia đình được vui vẻ hạnh phúc vì có nhiều thời gian dành cho nhau thì cũng gia đình trải qua những áp lực, căng thẳng dẫn đến bạo lực. Bởi vì, khi mà mọi người ở với nhau trong một thời gian dài sẽ nảy sinh những xung đột nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày. Thực hiện giãn cách xã hội cũng khiến nhiều người bị giảm thu nhập, mất việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế chung của cả gia đình. Những lo lắng về sinh kế cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng căng thẳng và nảy sinh các vấn đề bạo lực.
Thống kê năm 2020 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình Yên tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ. Trẻ em không chỉ là nạn nhân mà cũng phải chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa…
Tuy nhiên, không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh, bạo lực gia đình đến nay vẫn luôn là vấn nạn chung của toàn xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Để phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em trong gia đình, trong thời gian qua, các tổ chức xã hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thúc đẩy việc ban hành mới và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội.
Trẻ em cũng có thể tạo nên sự thay đổi
Tại Hội thảo “Chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Luật PCBLGĐ sửa đổi” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng: “Khi nói đến bạo lực gia đình, chúng ta thường hay nghĩ ngay đến mối quan hệ giữa vợ và chồng, còn trẻ em hay những đối tượng dễ bị tổn thương khác như người khuyết tật, người cao tuổi… thường ít được cân nhắc tới, dễ bị bỏ lại phía sau. Thực ra, trẻ em có thể dễ dàng là nạn nhân của hành vi BLGĐ, có thể là đối tượng bị cha mẹ bạo hành, xâm hại, trừng phạt thể chất và tinh thần; là người chứng kiến bạo lực gia đình, điều này cũng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, tinh thần và quan điểm, nhân sinh quan cuộc sống của trẻ em. Tuy nhiên, cũng ít người nhận ra rằng trẻ em cũng có thể tạo nên sự thay đổi. Trẻ em nhận thức, có tiếng nói và lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực ngày hôm nay sẽ là những người kiến tạo nên một xã hội an toàn, công bằng, những gia đình thực chất tôn trọng quyền trẻ em và quyền con người, tràn đầy yêu thương...”.
Lý giải và đánh giá về thực trạng vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình, ông Nguyễn Trọng Tiến, đại diện Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ em bị bạo lực trong gia đình nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn đến từ nhận thức hay những quan niệm cố hữu như: “Thương cho roi, cho vọt”, “Không đánh thì không thể dạy được trẻ”… hay sự thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng. Thực tế khi hỗ trợ các nạn nhân, Hội gặp rất nhiều khó khăn như: Khó tiếp cận được với các thành viên trong gia đình; thông tin trình báo thường chậm; một số thành viên trong gia đình che giấu thông tin bạo hành trẻ… Cần nhớ rằng, không có bất cứ hình thức bạo lực nào được xem là sự yêu thương đối với trẻ em.
Đối với nhiều người, đặc biệt là trẻ em hay những nhóm yếu thế, nhà - gia đình là nơi an toàn nhất. Nhưng cũng chính trong ngôi nhà của mình, trẻ em và các nhóm yếu thế lại đang phải chứng kiến hay là nạn nhân của nhiều hành vi bạo lực, có nguy cơ ít được quan tâm. Chia sẻ về những điểm mới của dự thảo luật PCBLGĐ sửa đổi, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho biết: “Với dự thảo luật sửa đổi, chúng tôi mong muốn tập trung vào các nội dung như: Làm rõ các khái niệm liên quan đến công tác PCBLGĐ; bổ sung các loại hình hỗ trợ tư vấn cho người bị BLGĐ; hoàn thiện các biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ, trong đó có trẻ em; giáo dục và truyền thông cho người gây ra BLGĐ chứ không phải chỉ có trừng phạt, công tác thông tin, tuyên truyền và quy định rõ số điện thoại (111) tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Tăng cường các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ theo đó cần quy định rõ các biện pháp bảo đảm cho công tác PCBLGĐ; khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về BLGĐ, bổ sung các loại hình thức báo tin về vụ BLGĐ hay nguy cơ gây BLGĐ qua mạng xã hội…
NGUYỆT MINH